Trả lời câu hỏi CIF là gì có lẽ khá đơn giản với người có kinh nghiệm về xuất nhập khẩu hoặc thủ tục hải quan. Tuy nhiên, với những ai mới vào nghề hoặc không trong lĩnh vực này thì đây có thể là một khái niệm khá xa lạ.
CIF là gì?
CIF là viết tắt của điều kiện giao hàng: Cost, Insurance, Freight (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí). Nó thường được viết liền với một tên cảng biển nào đó, chẳng hạn: CIF Cantho.
Về cơ bản, CIF phân chia trách nhiệm và rủi ro giữa hai bên mua/bán trong thương mại quốc tế. CIF là điều kiện giao hàng tại cảng dỡ hàng hay cảng đến; khi tàu cập bến, người bán hết trách nhiệm và chuyển giao cho người mua. Điểm chuyển giao rủi ro là nơi mà hàng hóa được bốc xuống ở cảng dỡ hàng.
Với điều kiện này, người bán hàng chịu chi phí thuê tàu, bảo hiểm đến cảng dỡ hàng.
Trong ví dụ trên với CIF Cantho, ta hiểu rằng người bán sẽ mua bảo hiểm và chuyển hàng đến cảng Cần Thơ; người mua nhận hàng và làm tiếp thủ tục từ địa điểm giao hàng này.
Chuyển giao rủi ro ở đâu?
Với điều kiện CIF, bạn cần lưu ý rằng rủi ro chuyển giao từ cảng xếp hàng, chứ không phải ở cảng dỡ. Người bán chỉ mua bảo hiểm đường biển thay cho người mua, sau đó họ gửi đơn bảo hiểm cho người mua cùng bộ chứng từ. Dù hãng tàu có yêu cầu người bán giao hàng ở ICD hay cảng biển lớn đi chăng nữa, thì đến khi nào hàng đã nằm trên tàu biển ở cảng biển lớn rồi thì người bán mới hết trách nhiệm chịu rủi ro. Và rủi ro trong quá trình bốc hàng lên tàu lớn là do người bán chịu.
Bắt buộc người bán phải mua bảo hiểm cho lô hàng:
Mua loại cao nhất ICC(A).
Mua ở một công ty BH uy tín
Mua cho 110% trị giá của lô hàng
Tuy nhiên, người mua mới là người được bảo hiểm. Do đó, nếu tổn thất xảy ra trên đường vận chuyển, người mua đứng ra đòi bảo hiểm (chứ không phải người bán). Bên bán phải giúp bên mua chuẩn bị các chứng từ khiếu nại đòi bảo hiểm bồi thường trong trường hợp bên mua yêu cầu trợ giúp.
Có thể thấy, với điều kiện CIF, người bán trả phí vận chuyển nhưng không chịu rủi ro cho hàng hóa trên chặng vận chuyển biển.
Số CIF là gì?
Số CIF là số mã khách hàng, công ty tại ngân hàng. Môt công ty có thể mở nhiều tài khoản tại ngân hàng và ngân hàng quản lý nó bằng số CIF. Hiểu đơn giản, số CIF là số code của công ty tại một ngân hàng.
So Sánh FOB và CIF
Điều kiện CIF có nhiều điểm trái ngược so với điều kiện FOB. Vì thế hai điều kiện này thường được so sánh với nhau.
Mối quan hệ giữa giá FOB và giá CIF
Giá CIF là mức giá được tính tại cầu cảng của nước nhập khẩu, nghĩa là bên bán chịu mọi chi phí cho đến khi hàng hóa được giao tại cảng của bên mua theo quy định.
Giá CIF là giá tại cửa khẩu của bên mua hàng, đã bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa đến cửa khẩu bên nhận hàng.
– Giá FOB và giá CIF là hình thức biểu hiện của giá quốc tế theo điều kiện mua bán hàng hóa. Có thể biểu diễn mối quan hệ giữa giá FOB và giá CIF bằng công thức dưới đây:
Giá CIF = Giá FOB + Chi phí bảo hiểm quốc tế của hàng hóa (Insurance) + Cước phí vận chuyển (Freight)
Nói cách khác, giá CIF là giá FOB cộng thêm chi phí bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa.
Lưu ý khi sử dụng điều kiện Cost, Insurance, Freight
Nếu chọn xuất khẩu theo điều kiện CIF, người bán là người chịu trách nhiệm thuê tàu, mua bảo hiểm. Chi phí có thể tính cho người mua trong số tiền mà người mua thanh toán.
Người bán cũng đóng các khoản phí: phí tàu biển, bảo hiểm và các loại local charges như THC, Seal; Bill fee hoặc telex Release nếu có. Trucking và làm các thủ tục hải quan, thanh lý hải quan để thông quan cho lô hàng và thanh toán các chi phí để đưa hàng hóa đến đích.
Người mua có trách nhiệm: Nhận hàng tại cảng đến, lấy vận đơn và các chứng từ liên quan đến tiền hàng; chịu mọi rủi ro tổn thất và rủi ro hàng hóa khi hàng đã được đưa qua lan can tàu; chịu chi phí dỡ hàng, làm hàng, cầu tàu trừ trường hợp người bán chịu theo hợp đồng quy định; lấy giấy cho phép nhập khẩu và các giấy tờ liên quan khác.
Điều kiện CIF chỉ áp dụng cho giao hàng bằng đường biển và đường thủy nội địa.
CIF thường được sử dụng trong các chuyến hàng có giá trị thấp hơn CIP. CIF được sử dụng tốt nhất trong trường hợp người bán có thể tiếp cận trực tiếp với tàu để xếp hàng; tức là hàng rời hoặc hàng không đóng container. Đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu, CPT là lựa chọn Incoterms tốt hơn.
Ý nghĩa của CIF
Đối với bên xuất khẩu
Trong quan hệ thương mại quốc tế, nước xuất khẩu nên sử dụng giá CIF. Vì sử dụng giá CIF sẽ đem lại lợi ích cho cả quốc gia và doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể:
Quốc gia xuất khẩu thu được tiền bảo hiểm và cước phí vận chuyển, từ đó tăng thu ngoại tệ và giúp ổn định cán cân thương mại
Bên xuất khẩu chủ động trong việc thuê phương tiện cũng như thời gian vận chuyển.
Giải quyết việc làm giúp các ngành vận tải và bảo hiểm trong nước phát triển.
Nhà xuất khẩu nhận được một khoản hoa hồng từ bảo hiểm, cước vận chuyển.
Tuy nhiên những lợi ích trên chỉ đạt được khi các công ty bảo hiểm và vận chuyển trong nước có khả năng cạnh tranh cao để bảo toàn toàn bộ lợi nhuận trong nước mà không chảy ra nước ngoài.
Đối với bên nhập khẩu
Nước nhập khẩu nên lựa chọn giá FOB vì:
-Nhà nhập khẩu tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển.
– Khối lượng ngoại tệ bỏ ra ít hơn, từ đó góp phần ổn định cán cân thương mại.
– Chủ động trong việc nhập khẩu hàng hóa.
Mong rằng bài viết của chúng tôi đã giúp bạn hiểu hơn về điều kiện CIF.