CFR là gì?
CFR hay còn được viết là CNF/ C+F/ C&F/CnF/CF. Đây là viết tắt của Cost and Freight – Tiền hàng cộng cước. Đây là thuật ngữ trong thương mại quốc tế quy định các nghĩa vụ, chi phí và rủi ro liên quan đến việc chuyển giao hàng hóa theo tiêu chuẩn Incoterms.
Cost and Freight (Tiền hàng cộng cước) có nghĩa là người bán giao hàng đã thông quan xuất khẩu; bốc hàng lên tàu của người chuyển chở do người bán thuê tại cảng bốc hàng. Người bán phải trả tiền cước tàu để chở hàng đến cảng đích quy định. Nhưng mọi rủi ro liên quan đến hàng hoá đã được chuyển từ người bán sang người mua kể từ khi hàng được giao lên tàu.
Việc chuyển rủi ro
Dù hãng tàu có yêu cầu người bán giao hàng ở ICD hay cảng biển lớn đi chăng nữa; thì đến khi nào hàng đã nằm trên tàu biển ở cảng biển lớn rồi thì người bán mới hết trách nhiệm chịu rủi ro. Và rủi ro trong quá trình bốc hàng lên tàu lớn là do người bán chịu.
– Theo quy định của điều kiện CFR, dù hãng tàu có yêu cầu người bán giao hàng/container ở ICD hay cảng biển lớn đi chăng nữa; thì khi nào hàng đã nằm trên tàu rồi thì người bán mới hết trách nhiệm chịu rủi ro. Nếu xảy ra rủi ro trên đoạn đường từ ICD ra cảng, thì người bán phải gánh.
Nghĩa là: hãng tàu (do người mua thuê) gây ra lỗi lầm vận chuyển từ ICD ra cảng biển lớn, khiến hàng hóa bị hư hao, nhưng người bán phải gánh chịu thiệt hại này. Do vậy, người bán phải hết sức lưu ý việc này: nếu người bán giao hàng bằng containers, hãng tàu yêu cầu người bán chở hàng đến giao ở ICD như trên, thì người bán nên chuyển sang sử dụng điều kiện CPT thay vì dùng CFR để có thể kết thúc trách nhiệm của mình ngay khi đã giao hàng cho hãng tàu tại ICD.
– Người bán trả tiền cước thuê tàu đến cảng đích nhưng người bán chỉ gánh rủi ro liên quan đến hàng cho tới khi hàng lên tàu xong. Mọi rủi ro đối với hàng hóa trên đường biển, và cả đoạn đường về sau ở nội địa nước người mua là do người mua gánh.
Lưu ý khi sử dụng điều kiện CFR
– Theo Incoterms 2020, CFR chỉ nên được sử dụng cho vận tải đường biển và đường thủy nội địa.
– CFR thích hợp với các nhà xuất khẩu có kinh nghiệm hơn. Việc sử dụng các điều khoản nhóm C sẽ có nhiều quyền thương lượng hơn; đặc biệt nếu bạn đặt nhiều cước phí.
CFR được sử dụng tốt nhất khi người bán có thể tiếp cận trực tiếp với tàu để xếp hàng; tức là hàng rời hoặc hàng không đóng container.
– CFR không bắt buộc ai phải mua bảo hiểm cho lô hàng. Do đó người mua nên tự thực hiện mua bảo hiểm.
– Người bán phải ký hợp đồng vận tải hàng hóa từ nơi giao hàng tới cảng đến được chỉ định.
– Bên bán có trách nhiệm giống như FOB nhưng phải trả chi phí vận chuyển hàng hóa đến cảng
– Delivery point ≠ Named place: Địa điểm giao hàng khác địa điểm chỉ định.
So sánh điều kiện CFR và CPT
Giống nhau
– Người bán thuê tàu đến điểm đích là ở bên nước người mua
– Những rủi ro đối với hàng hóa trên biển là do người mua gánh
– Giống nhau ở nghĩa vụ thông quan mỗi đầu và chi phí bốc dỡ mỗi đầu
Khác nhau
– CPT có thể dùng cho mọi phương thức vận tải (phổ biến nhất là đường biển và đường bay); còn CFR chỉ dùng cho đường biển – thủy nội địa.
– Với CPT thì người người bán hết trách nhiệm khi giao hàng cho người chuyên chở. Người chuyên chở yêu cầu giao ở đâu, người bán sẽ hết trách nhiệm ở đó. Với CFR thì cho dù hãng tàu yêu cầu người bán giao ở đâu đi chăng nữa thì phải đợi đến khi nào hàng đã nằm trên tàu rồi thì người bán mới hết trách nhiệm chịu rủi ro.
Lời kết
Nếu bên bán có khả năng thuê tàu, bên bán nên làm việc này (tự chịu chi phí phát sinh để thuê tàu đưa hàng tới cảng nhập khẩu, tính trước chi phí này vào tiền hàng – không chịu rủi ro phát sinh) và ký hợp đồng theo điều kiện CFR.