top of page

FCA – Giao cho người vận tải

FCA phù hợp với nhiều phương thức vận tải, kể cả vận tải đa phương thức, nên có tính ứng dụng rất cao. Bên cạnh đó, FCA cũng cho phép người mua hàng chủ động hơn trong việc chỉ định nhà vận chuyển thích hợp. 


FCA là gì?

FCA (Free Carrier – Giao cho người vận tải) là một trong những điều kiện tương đối phổ biến, được sử dụng trong vận chuyển quốc tế. Trong đó: người bán chịu trách nhiệm đóng gói hàng hóa và xếp hàng lên thiết bị chuyên chở tại vị trí quy định như cảng hoặc nhà xe. 

Các địa điểm giao hàng thường được lựa chọn thỏa thuận khi ký hợp đồng:

  • FCA (Kho người bán)

  • FCA (Sân bay đi)

  • FCA (cảng xuất)


Trong điều kiện FCA, người bán giao hàng đã được thông quan cho người mua tại địa điểm chỉ định. Người mua là người có trách nhiệm tìm đơn vị vận chuyển. Địa điểm giao hàng có thể là cơ sở của người bán; nơi giao nhận vận tải (nhà xe, kho ngoại quan, CFS) hoặc cảng và sân bay. Người bán giao hàng và chuyển rủi ro cho người chuyên chở.


FCA của Incoterms 2020

Điều khoản này có một điểm mới đó là người vận chuyển được phép cấp vận đơn sau khi đã nhận hàng từ người bán hàng. FCA cũng được mở rộng thêm đó là nhà vận chuyển không nhất thiết phải là bên thứ ba, mà có thể được vận chuyển bởi phương tiện vận chuyển của người mua hoặc người bán.


Lưu ý: giao hàng cho bên vận chuyển, nghĩa là phải chịu trách nhiệm và chi phí xếp hàng lên trên phương tiện vận chuyển.

Để thực hiện tính khả thi của điều kiện FCA đối với những người bán cần một B/L có ghi chú “on board”, FCA của Incoterms 2020 lần đầu tiên quy định: nếu hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, người mua phải chỉ định người vận tải phát hành B/L ghi chú “on board” cho người bán.


Ưu điểm và nhược điểm của FCA

Ưu điểm

Người bán có cơ hội nâng cao giá bán của hàng hóa, do các chi phí phát sinh cộng khi bên bán thực hiện thêm trách nhiệm của mình

Người mua sẽ nắm được các chi phí thật sự trong vận chuyển và bốc xếp hàng hóa đến điểm đến. Chi phí sẽ không bị người bán thổi phồng lên.

Người mua không cần quá lo lắng và áp lực trong việc có được giấy phép xuất khẩu theo quy định để thông quan hàng hóa. Trách nhiệm này thuộc về người bán.


Nhược điểm

Bất kỳ đề xuất phát sinh nào giữa người bán và người mua đều bị người bán tính phí. Điều này đồng nghĩa với người bán phải chịu thêm rủi ro.

Trách nhiệm người bán chấm dứt khi hàng hóa đã được thông quan, người mua sẽ thực hiện việc mua bảo hiểm cho lô hàng và chịu các rủi ro về sau trong toàn bộ quá trình chuyển hàng.

Người mua cần có thiện chí nhiều hơn. Họ phải cung cấp chính xác cho người bán địa điểm giao hàng thật sự của lô hàng. Người mua phải là người thực sự đứng ra sắp xếp vận chuyển cho lô hàng.


Nên sử dụng FCA khi nào?

Trong các điều kiện Incoterms được nhà nhập khẩu ưa chuộng nhất: EXW, FOB, CIF, CFR và FCA (Incoterm 2010). Các chuyên gia cho rằng FCA phù hợp hơn FOB và CIF khi sử dụng vận tải đường biển. 

FCA có thể được dùng cho nhiều loại hình vận chuyển khác nhau: Đường biển, đường bộ, đường sắt và cả đường hàng không, thủy nội địa hoặc vận tải bằng các hình thức kết hợp (vận tải đa phương thức). Nhìn chung, vận chuyển đa phương thức sử dụng điều kiện FCA thông dụng và phổ biến. 

Nếu bên bán có khả năng làm thủ tục hải quan xuất khẩu, để thuận tiện bên bán nên nhận làm việc này (tự chịu chi phí phát sinh là thuế xuất khẩu) và đề nghị ký hợp đồng theo điều kiện FCA. Bên bán thường dự tính trước tiền thuế xuất khẩu phải nộp và tính vào tiền hàng phải thu bên mua.

FCA cũng thích hợp cho những đơn vị có nhà xưởng, cơ sở tại nước ngoài; công ty mẹ mua hàng từ công ty con và ngược lại. Các công ty này đã có thời gian đầu tư lâu dài tại Việt Nam và thông hiểu chính sách; dĩ nhiên là có quan hệ mật thiết với các hãng tàu đặt tại Việt Nam.


Trách nhiệm người mua và người bán trong hợp đồng FCA

Trong điều kiện FCA, người mua và người bán có những trách nhiệm cơ bản như sau:


Giao Hàng, Vận Chuyển Và Thông Quan

Người bán hàng theo điều kiện FCA phải trả các chi phí cho việc: Sản xuất, kiểm tra chất lượng, dán nhãn, đóng gói hàng hóa phù hợp. Đồng thời, người bán cũng tổ chức chuyển hàng đến cảng hoặc 1 địa điểm chỉ định để xuất đi. Cùng với quá trình trên, người bán phải chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục hải quan. Người mua hàng chịu trách nhiệm tìm và ký hợp đồng vận tải để đưa hàng về nước.

Khi người bán đã hoàn tất việc khai hải quan (điện tử) trên hệ thống của hải quan; đồng thời đã giao hàng cho người chuyên chở; lúc này trách nhiệm của người bán với hàng hóa được xem là chấm dứt. Mọi rủi ro và chi phí sẽ chuyển giao cho người mua (và các bên có liên quan).


Người mua thuê phương tiện vận tải

Người mua trả trả cước chặng chính Ocean Freight hoặc Air Freight

Người mua trả THC at POL

Người mua trả THC at POD

Hai bên mua/bán phải lưu ý mục này trong lúc chào giá/thương thảo. Thông thường hãng bay/hãng tàu sẽ chào giá cước bay/cước tàu theo kiểu phí THC bên nào bên đó trả. Người bán phải lưu ý để người mua hiểu và chịu phí này ngay từ đầu. Nếu có thỏa thuận khác đi thì phải nêu rõ trước khi ký hợp đồng.

Ngoài ra, FCA không bắt buộc ai phải mua bảo hiểm. Người mua là người nên mua bảo hiểm cho lô hàng.


Vì Sao nên dùng Điều Kiện FCA thay vì FOB và EXW?

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thường đề cập đến FOB và CIF. Thực tế, điều kiện FCA có nhiều ưu điểm hơn EXW và FOB; được nhiều chuyên gia khuyến cáo sử dụng. Tuy nhiên, các nhà xuất nhập khẩu vẫn quen sử dụng FOB và CIF hơn.

So với điều kiện EXW, FCA linh hoạt và mang lại lợi ích cho cả bên bán và bên mua. So với điều kiện EXW, FCA linh hoạt và mang lại lợi ích cho cả bên bán và bên mua. FCA là điều kiện thay thế tuyệt vời cho EXW giao tại kho; cũng như phù hợp với tập quán mua bán hàng hóa quốc tế. Người mua sử dụng FCA không cần mất nhiều thời gian cho việc thông quan trước khi xuất khẩu.

Nhìn chung, với điều kiện FCA, người bán có trách nhiệm ít hơn so với CIF & FOB. Nhưng FCA lại là điều kiện phù hợp cho người bán lẫn người mua khi xét đến sự thuận lợi và thị trường địa phương. Người chuyên chở do người mua thuê, hoặc người mua (trong trường hợp người mua sở hữu phương tiện chuyên chở) yêu cầu người bán giao ở đâu, thì người bán sẽ hết trách nhiệm ở đó. 

So với FOB, FCA giúp giảm thiểu các rủi ro và tranh chấp có thể xảy ra cho cả người mua và người bán trong khi chuyển giao hàng hóa.

Tuy nhiên, khi sử dụng điều kiện FCA, người mua phải có thế mạnh về tìm kiếm nhà vận tải phù hợp cũng như kinh nghiệm trong mua hàng quốc tế, vì trách nhiệm của người bán đối với hàng hóa chấm dứt rất nhanh sau khi giao hàng cho người vận tải.


Việc chuyển rủi ro

Người bán hết trách nhiệm khi giao hàng cho người chuyên chở. Bất cứ địa điểm nào được chỉ định để giao hàng; địa điểm đó xác định nơi chi phí và rủi ro được chuyển giao cho người mua. Cụ thể:


Giao tại xưởng của người bán – FCA (Xưởng người bán)

Người bán phải bốc xong hàng lên xe tải/container tại xưởng thì mới hết trách nhiệm chịu rủi ro.

Giao tại sân bay nước bán – FCA (sân bay đi)

Trường hợp hãng vận chuyển yêu cầu người bán mang hàng đến tận sân bay. Cụ thể là giao đến các kho hàng SCSC, TCS, kho GWE, FEDEX… cho các hãng vận chuyển mà người mua thuê; thì người bán chở hàng đến các ‘kho’ SCSC, TCS, kho GWE, FEDEX này… để giao cho hãng vận chuyển là hết trách nhiệm. Người bán không chịu trách nhiệm và chi phí cho việc dỡ hàng xuống xe tải tại các ‘kho’ này. Nếu mất hàng trong kho này thì rủi ro/chi phí này người mua chịu.

Trường hợp hãng vận chuyển yêu cầu người bán để hàng tại kho người bán, hãng vận chuyển tự đến kho hàng của người bán để lấy và chở hàng đi, thì người bán chỉ cần chất hàng lên phương tiện của hãng vận tải này là người bán hết trách nhiệm. 

Có thể thấy, dù hợp đồng thỏa thuận là FCA (sân bay đi) nhưng người bán sẽ hết trách nhiệm theo yêu cầu của người chuyên chở. Người chuyên chở bảo người bán giao ở đâu thì người bán hết trách nhiệm ở đó.


Giao tại cảng biển nước bán – FCA (cảng biển xuất)

Trường hợp hãng tàu yêu cầu người bán chỉ chở hàng/container đến các ICD – cảng cạn – cảng nội địa, gần cảng biển đi

Người bán chỉ cần chở hàng đến các ICD này là người bán hết trách nhiệm chịu rủi ro. Thậm chí người bán không chịu trách nhiệm và chi phí cho việc dỡ hàng xuống khỏi xe tải/xe container tại ICD này. Nếu mất hàng trong ICD này hay bất cứ rủi ro nào phát sinh trong đoạn đường từ ICD này đến cảng biển đầu xuất thì rủi ro/chi phí này người mua chịu.

Trường hợp hãng tàu yêu cầu người bán chở hàng/container thẳng đến cảng biển đi

Người bán phải chở hàng đến cảng biển đó, đặt hàng ở cầu cảng sát mép tàu là hết trách nhiệm chịu rủi ro. Người bán không chịu trách nhiệm, chi phí cho việc dỡ hàng xuống khỏi xe tải/xe container tại cảng này. Nếu có rủi ro trong quá trình bốc hàng lên tàu, rủi ro đó người mua chịu..


Lưu ý khi sử dụng điều kiện Free Carrier – FCA

Hiện nay, khi hàng hóa được chở bằng container, để tránh tình trạng tắc nghẽn đường ra vào các cảng – dẫn đến việc tàu xuất bến trễ; hãng tàu thường yêu cầu người bán chở hàng ra tập kết ở các ICD thay vì ra cảng biển. Đoạn đường từ ICD ra đến cảng biển đầu xuất là do hãng tàu tự sắp xếp vận chuyển. Do vậy, để kết thúc rõ ràng trách nhiệm của mình (giao cho hãng tàu là hết trách nhiệm); thì các chủ hàng xuất khẩu nên sử dụng điều kiện FCA thay vì FAS, FOB.

Mong rằng bài viết của chúng tôi đã giúp bạn hiểu hơn về điều kiện FCA.

bottom of page