top of page

DAP – Giao hàng tại nơi đến

DAP là gì?

DAP là viết tắt của từ Delivered at Place, nghĩa là giao hàng tại nơi đến quy định.

Giao hàng tại nơi đến quy định có nghĩa là người bán giao hàng đã thông quan xuất khẩu tại địa điểm đã thoả thuận ở nước người mua. Người bán phải thuê phương tiện vận tải/trả cước phí để chở hàng đến nơi đến quy định, đặt hàng trên phương tiện vận tải, không dỡ hàng xuống khỏi phương tiện vận tải. Người bán phải chịu rủi ro liên quan đến hàng hoá cho đến khi hàng được giao.


Cách dùng điều khoản DAP

1. DAP nghĩa là người bán giao hàng cho người mua và chuyển giao rủi ro về hàng hóa cho người mua khi hàng được đặt dưới quyền quyết định của người mua trên phương tiện vận tải chở đến. Hàng hóa được coi là đã giao hàng khi được giao tới địa điểm đó và sẵn sàng bốc hàng.

2. Bên bán chịu chi phí và rủi ro vận chuyển hàng hóa tới địa điểm đã thống nhất trước.

3. Mọi chi phí phát sinh trước điểm giao hàng do người bán chịu và mọi chi phí sau điểm giao hàng do người mua chịu.

4. Người bán phải ký hợp đồng vận tải để đưa hàng đến địa điểm chỉ định.

5. DAP được sử dụng với mọi phương thức vận tải.

6. Delivery point = Named place: Địa điểm giao hàng là địa điểm chỉ định.

7. Rủi ro chuyển từ bên bán sang bên mua: 

Bất kể là thỏa thuận DAP giao đến đâu, rủi ro của hàng hóa sẽ được chuyển từ người bán sang người mua khi hàng còn nằm trên phương tiện vận tải/xe đầu kéo tại nơi giao đó; tức là hàng hóa đã sẵn sàng để bốc xếp tại địa điểm thống nhất trước. Rủi ro trong việc việc dỡ hàng xuống khỏi phương tiện vận tải là do người mua chịu.

8. Người bán trả cước chặng chính Ocean freight hoặc Air freight; THC đầu đi; còn phí THC đầu đến thì tùy thuộc vào nơi mà hai bên thỏa thuận.

Nếu thỏa thuận DAP (cảng biển đến/sân bay đến): người mua phải trả THC tại cảng biển/sân bay này

Nếu thỏa thuận DAP (tại kho người mua): người bán trả THC ở cảng đến/sân bay đến.


Lưu ý khi sử dụng điều kiện DAP

Địa điểm giao hàng ở nước người mua

Hai bên có thể lựa chọn thỏa thuận trong hợp đồng địa điểm giao hàng theo một trong những cách:

  • DAP (cảng biển đến)

  • DAP (sân bay đến)

  • DAP (cửa khẩu nước nhập khẩu)

  • DAP (kho của người mua)

Tuy nhiên, trong thực tế, DAP (kho người mua) thường được chọn nhiều hơn, vì nếu muốn giao ở cảng đến/sân bay đến thì hai bên thường chọn DAT. DAP (cửa khẩu) thường được sử dụng khi bán hàng qua biên giới.


Về điều kiện DAP (kho người mua):

Đây là thỏa thuận mà trong đó người bán sẽ làm mọi việc để chở hàng đến tận kho người mua, trừ việc làm thủ tục hải quan nhập khẩu (không đóng thuế nhập khẩu) và không dỡ hàng xuống khỏi xe tại kho của người mua. Hàng đến cảng đến/sân bay đến, người mua phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu; rồi người bán mới tiếp tục vận chuyển hàng về kho của người mua. 

Rắc rối sẽ xảy ra nếu người mua không hoàn thành việc thông quan nhập khẩu, khiến cho người bán phải gánh chịu phí phạt lưu bãi, phí phạt của nhà xe,… thậm chí người mua lại khiếu nại ngược người bán vì không giao hàng về kho đúng hạn. 

Rõ ràng, việc này là do lỗi của người mua không thông quan nhập khẩu nhưng lại bắt người bán phải gánh chịu. Vậy, để tránh mâu thuẫn này, thông thường hai bên sẽ chọn giải pháp: để người bán làm mọi việc – kể cả thông quan nhập khẩu, để người bán có thể chủ động mọi việc. Người mua chỉ cần đợi hàng về xưởng của mình và dỡ xuống là xong. Khi đó, hai bên sẽ lựa chọn điều kiện DDP – người bán làm tất cả mọi việc để giao hàng đến tận kho người mua.


Về bảo hiểm: 

Người bán không bị bắt buộc phải mua bảo hiểm cho lô hàng. Nhưng người bán nên mua bảo hiểm.


Tổng kết lại

Nếu bên mua không có khả năng hoặc kinh nghiệm đưa hàng về đến nội địa nhập khẩu của mình, bên bán có thể hỗ trợ việc này (tính trước chi phí này vào tiền hàng) và ký hợp đồng theo điều kiện DAP.

Hy vọng bài viết trên đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về DAP cũng như cách sử dụng điều khoản này.

bottom of page